Google đòi công khai lệnh yêu cầu cung cấp thông tin người dùng của tòa

Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Eric Holder, Google cho hay họ "không có gì phải giấu" và việc công bố sẽ chứng tỏ họ luôn xem xét từng trường hợp mỗi khi nhận lệnh từ tòa án chứ không hề hỗ trợ chính phủ Mỹ truy cập trực tiếp máy chủ.
Google và Facebook đang tỏ ra quyết liệt nhất trong việc khẳng định họ không "đi đêm" với chính phủ để gây hại cho người dùng. Trước đó, báo Washington Post và Guardian đã đăng các tài liệu rò rỉ về chương trình PRISMcủa Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) với nội dung cho rằng tổ chức này "có thể truy cập trực tiếp vào máy chủ trung tâm của 9 công ty Internet hàng đầu".

Google đang có những động thái quyết liệt nhằm chứng tỏ họ không dính líu đến chương trình theo dõi người dùng của chính phủ.
Bên cạnh việc gửi thông cáo báo chí như những hãng khác, đích thân Larry Page, CEO Google và Mark Zuckerberg, CEO Facebook, đã nêu quan điểm của họ lên trang cá nhân, rằng họ không bao giờ thỏa hiệp với chính phủ trong những dự án như thế và họ chỉ chia sẻ thông tin về từng trường hợp cụ thể mỗi khi nhận lệnh của tòa án cũng như các tổ chức liên quan sau khi thận trọng xem xét và tuân thủ đúng luật pháp.
Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Google cho rằng các cáo buộc gần đây là sai sự thật, nhưng chính việc hãng này không được phép công khai các lệnh của Cơ quan Giám sát tình báo nước ngoài (Foreign Intelligence Surveillance Act - FISA) đã càng làm tăng sự nghi ngờ của công chúng. FISA luôn yêu cầu các bên giữ im lặng, đồng nghĩa Google, Facebook và các công ty khác không thể nói họ có nhận được hoặc đã nhận bao nhiêu lệnh.
Luật sư Ted Ullyot của Facebook cũng nhanh chóng theo chân Google khi nói ông đánh giá cao "cơ hội cung cấp một cách minh bạch cho người dùng Facebook trên toàn thế giới một bức tranh hoàn chỉnh, trong đó Facebook nhận được bao nhiêu lệnh từ chính phủ và họ đã thực hiện từng lệnh đó như thế nào".
Người được xác định đã tuồn tài liệu về chương trình tối mật PRISM cho báo chí là Edward Snowden, cựu nhân viên 29 tuổi của CIA. "Tôi không muốn sống trong thế giới mà mọi điều tôi nói hay làm đều bị ghi lại", Snowden giải thích lý do cho hành động của mình là để bảo vệ "sự tự do cơ bản của mọi người trên khắp thế giới", theo báo Guardian.
Khi vụ scandal nổ ra, Snowden ở trong một khách sạn ở Hong Kong nhưng hiện anh này đã biến mất. Bạn gái của Snowden cũng đã viết một blog cho thấy cô đang "mất phương hướng và thấy bản thân mình đang trôi dạt giữa đại dương hỗn loạn", sau đó quyết định đóng cửa trang cá nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiết kế bởi Way2themes